GIỚI THIỆU

DỊCH VỤ

CÔNG TRÌNH - DỰ ÁN

LIÊN KẾT WEB



ĐTKH: THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG VÀ CẤP CHỨNG CHỈ RỪNG FSC-FM/COC TẠI TỈNH GIA LAI

 Từ khóa: Chủ rừng, chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững, rừng sản xuất.

 I. GIỚI THIỆU

          Gia Lai là tỉnh có tiềm năng phát triển lâm nghiệp với đất đai và nguồn lâm sản phong phú. Tuy nhiên, các vấn đề về pháp lý, xã hội và môi trường rừng đòi hỏi quản lý rừng phải thay đổi theo yêu cầu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao giá trị tổng hợp và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Để thực hiện QLRBV theo CCR, các chủ rừng phải thực hiện các bước chuẩn bị và tuân thủ nghiêm ngặt bộ nguyên tắc FSC được dùng làm cơ sở CCR.

            Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc QLRBV và CCR khoảng 2 thập kỷ qua, nhưng đến nay cả nước mới chỉ thực hiện được khoảng 156.000 ha với 12 chủ thể CCR FSC-FM/CoC (Bảng 01). Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, mặc dù công tác CCR đã được đề cập đến từ lâu, các chủ rừng lớn cũng đã thực hiện xây dựng phương án QLRBV từ giai đoạn 2011-2015 nhưng công tác QLRBV theo CCR gần như chưa được thực hiện (mới chỉ có một đơn vị trên địa bàn là Công ty MDF Vinafor Gia Lai trực thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor thực hiện). Các yêu cầu về kỹ thuật, trình độ cán bộ, kinh phí và quyết tâm thực hiện là những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện QLRBV theo CCR. 

            Để phục vụ cho định hướng QLRBV theo FSC, tham luận thực hiện nghiên cứu hiện trạng pháp lý, hiện trạng tài nguyên rừng và quản lý rừng, hiện trạng công tác CCR trên toàn quốc và ở địa phương và một số mô hình tham khảo. Từ đó, đề xuất các định hướng về đối tượng, quy mô diện tích, giải pháp thực hiện CCR trong giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Quyết định số 83/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/01/2016 về phê duyệt Đề án thực hiện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 II. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

            -  Về thực trạng pháp lý: Nghiên cứu các văn bản pháp lý về định hướng, yêu cầu và quá trình thực hiện công tác QLRBV theo CCR FSC.    

            - Về cơ sở hiện trạng tài nguyên rừng và thực trạng công tác QLRBV theo CCR FSC ở địa phương, tiến hành nghiên cứu dữ liệu tại các báo cáo như Báo cáo hiện trạng tài nguyên rừng (theo Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt kết quả kiểm kể rừng năm 2014 của tỉnh Gia Lai); các báo cáo xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững tại các công ty đã thực hiện, báo cáo thực hiện FSC của Công ty MDF Vinafor Gia Lai; …

            - Về lợi ích của việc thực hiện FSC, nghiên cứu báo cáo thực hiện FSC của Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Báo cáo 5 năm thực hiện FSC của Công ty TNHH Lâm trường Đắk Tô, Kon Tum, Báo cáo kết quả nghiên cứu về định giá rừng ở Việt Nam,…

 III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Cơ sở pháp lý và yêu cầu quản lý rừng bền vững

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05  tháng 02  năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ), xác định “Quản lý bền vững và có hiệu quả 8,4 triệu ha rừng sản xuất, trong đó 4,15 triệu ha rừng trồng, bao gồm rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, lâm sản ngoài gỗ.... và 3,63 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Diện tích phục hồi rừng tự nhiên và nông lâm kết hợp là 0,62 triệu ha. Phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ rừng (là diện tích được đánh giá và cấp giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững)…”.

            Thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 11 năm 2014, chỉ rõ, chỉ các chủ rừng thực hiện CCR FSC mới được phép khai thác rừng. Tiếp theo, Quyết định số 83/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/01/2016 về phê duyệt Đề án thực hiện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Quyết định này, hàng năm các tỉnh phải báo cáo tình hình thực hiện công tác QLRBV và CCR theo FSC và xây dựng kế hoạch, định hướng để toàn quốc phát triển ít nhất 500.000 ha rừng sản xuất (gồm 350.000 ha rừng trồng và 150.000 ha rừng tự nhiên) đến năm 2020. Lộ trình các bước thực hiện các nội dung liên quan (như phê chuẩn bộ tiêu chí QLRBV, kế hoạch hợp tác, phân bổ vốn đầu tư,…) cho Đề án cũng được hoạch định.

            Như vậy, công tác QLRBV theo CCR FSC là yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với ngành lâm nghiệp các địa phương trên toàn quốc. Các hoạt động cụ thể thực hiện QLRBV và CCR FSC trên toàn quốc đến năm 2020 cũng đã được xác lập.

3.2. Thực trạng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trên toàn quốc

            Diện tích rừng đang thực hiện chứng chỉ đến tháng 3 năm 2016 toàn quốc là 156.000 ha. Trong đó, rừng trồng chiếm 47%, rừng tự nhiên 53% thuộc rừng sản xuất. Chủ thể được CCR FSC chủ yếu là các công ty lâm nghiệp chiếm 98,5%, nhóm hộ chỉ chiếm 1,5% về diện tích (Bảng 01). Các loài cây rừng trồng được CCR chủ yếu là keo các loại, còn lại là bạch đàn, thông. Đơn vị kiểm toán chứng chỉ chủ yếu là tổ chức GFA, còn lại có SGS, SA.

Bảng 01: Thống kê các đơn vị đã được cấp chứng chỉ FSC đến tháng 3/2016 trên toàn quốc

TT

Tên của tổ chức
hoặc nhóm hộ

Diện tích cấp chứng chỉ (ha)

Loại rừng sản xuất

Loài cây

Tổ chức/năm cấp chứng chỉ

Rừng
 tự nhiên

Rừng trồng

1

Nhóm hộ tỉnh Quảng Trị

1.392,39

1.392,39

 

GFA 2015

2

Nhóm hộ của 4 tỉnh miền Trung*

851,73

851,73

Keo, B. đàn

GFA 2012

3

 Công ty trồng rừng Quy Nhơn

9.762,61

9.762,61

 Keo, B. đàn

SGS 2016/2006

4

Tổng công ty giấy Việt Nam(VINAPACO)

16.118,98

16.118,98

 Keo, B. đàn

GFA 2015/2010

5

Công ty Lâm nghiệp Bến Hải - Quảng Trị

9.463,00

9.463,00

Keo, thông

GFA 2011

6

Công ty TNHH Binh Nam - Bình Định

2.969,19

2.969,19

Keo, Bạch đàn

SGS 2013

7

Tổng Công ty Lâm nghiệp VN (Vinafor)

35.268,73

17.549,06

17.719,67

Keo, B. đàn, Thông, Tếch,…

SA 2013

8

Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô - Kon Tum

15.755,40

15.755,40

 

 

GFA 2014

9

Lâm trường Trường Sơn - Công ty Long Đại  - Quảng Bình

31.483,20

31.483,20

 

 

GFA  2014

10

Công ty Lâm nghiệp Đại Thành - Đăk Nông

17.551,60

17.551,60

 

 

GFA  2015

11

Công ty Lâm nghiệp Đường 9 - Quảng Trị

4.868,40

4.868,40

Keo các loại

GFA  2015

12

Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải - Quảng Trị

5.257,00

5.257,00

Keo, thông

GFA  2015

13

Công ty Lâm nghiệp Uông Bí - Quảng Ninh

5.179,80

5.179,80

Keo, bạch đàn, Thông các loại

GFA  2016

Tổng

155.922,03

82.339,26

68.402,97

 

 

Nguồn: http://info.fsc.org/certificate.php#result, ngày 31/3/2016.

Ghi chú: * Nhóm hộ tại các tỉnh: TT Huế - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định) Do Dự án phát triển lâm nghiệp (WB3) hỗ trợ.

            - Về công tác chứng chỉ rừng: Do quá trình CCR là mới mẽ, nên các chủ rừng đã nhận được các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chuyên gia quốc tế như tổ chức GTZ (nay là GIZ), WWF, WB, SNV,… ban đầu như là các mô hình mẫu như Công ty lâm nghiệp Đắk Tô tỉnh Kon Tum, Lâm trường Trường Sơn tỉnh Quảng Bình,… Tuy nhiên, gần đây đã có một số công ty mạnh dạn tự bỏ kinh phí, thuê chuyên gia thực hiện công tác chuẩn bị và chứng chỉ rừng như Công ty trồng rừng Quy Nhơn (vốn FDI - Nhật Bản), Công ty TNHH trồng rừng Binh Nam tỉnh Bình Định, Công ty Lâm nghiệp Đại Thành tỉnh Đắk Nông,…

            - Về hệ thống CCR FSC và cơ quan CCR Việt Nam: Hiện tại, các tổ chức tư vấn quốc tế như GFA, Woodmark, SmartWood,… đang sử dụng bộ tiêu chí FSC cho điều kiện Việt Nam như bản GFA-FSC version 01 để thực hiện CCR cho các chủ rừng Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2016, Việt Nam sẽ phê duyệt bộ nguyên tắc CCR cho mình. Bên cạnh đó, đang đào tạo đội ngũ và xây dựng một số cơ quan CCR Việt Nam như Viện QLRBV và CCR, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện khoa học lâm nghiệp,….

            - Hiệu quả hoạt động các chủ rừng được CCR FSC: Gỗ rừng trồng keo sau khi được khai thác có CCR bán với giá tăng từ 25 - 35% so với gỗ chưa được CCR (Báo cáo CCR nhóm hộ FSDP tại 4 tỉnh TT Huế - Quang Nam - Quảng Ngãi - Bình Định, năm 2015), gỗ rừng tự nhiên được tiêu thụ với giá cao hơn (Báo cáo tổng kết thực hiện Phương án QLRBV và kiểm toán chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC® tại Công ty Lâm trường Đắk Tô - giai đoạn 2009-2014). Các chủ rừng có CCR được các công ty chế biến, thương mại gỗ có FSC-CoC đặt hàng.  Bên cạnh đó, rừng được quản lý một cách chặt chẽ, sản phẩm bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, các chỉ số về môi trường (đất, nước, không khí, sinh vật,…) được cải thiện. Các vấn đề xã hội như an toàn lao động, trả công cho lao động địa phương, hỗ trợ cho cư dân lân cận chủ rừng được cải thiện, quyền lợi và trách nhiệm của người bản địa được quy định rõ và tăng cường, hệ thống giao thông được duy tu, nâng cấp,…

            Hệ thống các doanh nghiệp được cấp FSC-CoC trên toàn quốc đến tháng 3/2016 là trên 600 đơn vị chế biến, thương mại lâm sản (Nguồn: http://info.fsc.org/certificate.php#result, ngày 31/3/2016). Đây là những khách hàng tiềm năng để chủ rừng chào hàng khi có sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ bán ra.

3.3. Hiện trạng tài nguyên rừng và công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng

            3.3.1. Hiện trạng diện tích và trữ lượng tài nguyên rừng tỉnh Gia Lai:

Hiện trạng diện tích và trữ lượng tài nguyên rừng đến tháng 12/2014 là:

Diện tích đất kiểm kê rừng 886.904,19 ha, độ che phủ rừng đạt 40,1%. Trong đó diện tích có rừng: 623.280,76 ha, trữ lượng gỗ: 69.044.362 m3, trữ lượng tre nứa:  900 nghìn cây.

            - Hiện trạng tài nguyên rừng phân theo mục đích sử dụng rừng:

            + Trong quy hoạch đất lâm nghiệp: 846.091,26 ha

            * Rừng phòng hộ: 151.241,51 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 109.112,32 ha, rừng trồng 9.644,72 ha, đất chưa có rừng 32.484,47 ha;

            * Rừng đặc dụng: 56.339,33 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 52.731,30 ha, rừng trồng 615,44 ha, đất chưa có rừng 2.992,59 ha;

            * Rừng sản xuất: 638.510,42 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 30.543,57 ha, rừng trồng 47.943,11 ha, đất chưa có rừng 227.147,59 ha.

            + Ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp: 40.812,93 ha, bao gồm:

            * Rừng tự nhiên: 30.543,57 ha.

            * Rừng trồng: 9.270,58 ha.

            * Diện tích rừng trồng mới: 998,78 ha.

            - Hiện trạng tài nguyên rừng phân theo chủ quản lý rừng:

            + Chủ rừng nhóm I (hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND xã quản lý trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố): Diện tích 350.314,19 ha, trữ lượng gỗ 18.089.393 m3, tre nứa 182 nghìn cây.

            + Chủ rừng nhóm II (82 chủ rừng, cụ thể có 01 VQG, 01 Khu Bảo tồn thiên nhiên, 02 Khu nghiên cứu và Đào tạo, 21 Ban quản lý RPH, 12 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 31 Doanh nghiệp khác và 14 Khu quân sự và An ninh quốc phòng). Diện tích 536.590,00 ha, tổng trữ lượng gỗ 50.954.969 m3, tổng trữ lượng tre nứa 718 nghìn cây.

            3.3.2. Hiện trạng công tác QLRBV và CCR:

            Tài nguyên rừng tại tỉnh Gia Lai là rộng lớn về diên tích và khá giàu về trữ lượng. Công tác QLRBV đã được quan tâm, lồng ghép vào quy hoạch theo giai đoạn và kế hoạch hàng năm của các cấp (quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng cấp vùng, tỉnh, huyện, xã hoặc phương án QLRBV của các Công ty lâm nghiệp). Tuy nhiên, hoạt động cụ thể còn nhiều khiêm tốn, cụ thể như sau:

            - Về công tác xây dựng, thực hiện phương án QLRBV: Năm 2009, Các công ty TNHH MTV LN Sơ Pai, Hà Nừng được tổ chức WWF hỗ trợ trong công tác điều tra tài nguyên rừng phục vụ tính toán lượng khai thác hợp lý để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 05 đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án QLRBV. Năm 2013, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro, Trạm Lập, Ka Nak đã tổ chức phân vùng rừng có giá trị bảo tồn cao và xây dựng phương án QLRBV. Năm 2015, hai công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku và Đắk Roong được hỗ trợ từ Dự án FLICHT để xây dựng Phương án QLRBV. Tuy nhiên, để chuẩn bị và đạt được CCR cần có nhiều hoạt động khác ngoài việc xây dựng phương án QLRBV.

- Về công tác cấp CCR: Đến nay, trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có một Công ty MDF Vinafor Gia Lai đã được cấp chứng chỉ (là một phần trong tổng thể chứng chỉ rừng của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor, năm 2013) với diện tích là 3.319,6 ha rừng trồng. Hàng năm, các lần kiểm toán đều đạt và chứng chỉ hoạt động tốt. Diện tích rừng được CCR đưa vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, các hoạt động môi trường và xã hội được duy trì theo Bộ tiêu chuẩn FSC.

- Các thuận lợi, khó khăn gặp phải:

+ Thuận lợi:

* Tỉnh Gia Lai có diện tích rừng lớn, trong đó tập trung diện tích rừng tự nhiên nhiều, trữ lượng, sản lượng các loại rừng là khá so với toàn quốc. Đây là điều kiện cơ bản khá tốt cho công tác QLRBV và CCR để các công ty, chủ rừng hoạt động có hiệu quả kinh tế cao.

* Ngành Lâm nghiệp đã có những điều kiện pháp lý, định hướng rõ ràng để phát triển QLRBV và CCR.

+ Khó khăn:

* Tiếp cận QLRBV và CCR còn mới mẻ đối với các chủ rừng, cần nhiều sự tư vấn, hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan chuyên môn về công tác xây dựng phương án QLRBV và công tác chuẩn bị CCR;

* Trình độ quản lý, chuyên môn của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp nói riêng và các chủ rừng về QLRBV và CCR của tỉnh Gia Lai nói chung đang còn rất thấp so với tiêu chuẩn QLRBV quốc tế. Việc cải thiện quản lý rừng để đạt tiêu chuẩn cần những nguồn lực lớn và thời gian dài. Nhiều vấn đề xã hội như nghèo đói, xâm lấn tranh chấp đất đai với người dân, khai thác rừng trái phép, cháy rừng .v.v vẫn còn diễn ra và ngoài tầm giải quyết của chủ rừng.

* Nguồn kinh phí cho công tác chuẩn bị CCR các chủ rừng sau một thời gian không có hoạt động khai thác là khó khăn.

3.4. Định hướng quản lý và giải pháp thực hiện QLRBV và CCR theo FSC tại tỉnh Gia Lai

            - Định hướng các chủ rừng và diện tích thực hiện CCR:       

            Trên cơ sở quỹ tài nguyên rừng, hiện trạng tổ chức, pháp lý, nhân sự, kỹ thuật và công tác chuẩn bị CCR tại các đơn vị trên toàn tỉnh. Chúng tôi lựa chọn các đơn vị có tiềm năng hoàn thành công tác CCR trong giai đoạn 2016-2020 (Bảng 02).

Bảng 02: Diện tích tiềm năng 11 công ty có thể chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020

Tên công ty

Tổng

Rừng tự nhiên

 Rừng trồng

Đất trống

Giàu

TB

Nghèo

Kiệt

Non

Có trữ lượng

Chưa có trữ lượng

1. C.ty TNHH MTV LN Kông Chro

  17.294

10.238

  2.944

    718

    463

2.930

2. C.ty TNHH MTVLN Kông Chiêng

15.108

     4.227

         886

  7.010

      355

    159

2.471

3. C.ty TNHH MTV LN Kông H'De

    15.077

       64

  13.064

464

      55

       162

1.267

4. C.ty TNHH MTV LN Ia Pa

    13.645

     145

    5.262

      4.941

    184

 1.907

       416

    790

5. C.ty TNHH MTV LN Đắk Rong

    13.349

  1.552

  11.244

         367

     138

        18

      31

6. C.ty TNHH MTV LN Trạm Lập

     9.990

 2.130

    7.657

        170

      17

          7

      10

7. C.ty TNHH MTV LN Hà Nừng

     7.587

  3.844

3.560

          19

       68

        75

      20

8. C. ty TNHH MTV LN Sơ Pai

      7.457

  1.323

     5.284

         740

       63

      46

9. C. ty TNHH MTV LN Ka Nak

     6.983

 2.532

    3.420

        786

      92

115

        17

      17

        5

10. C. ty TNHH MTV LN Lơ Ku

     6.169

    760

    3.500

        177

     472

      172

      82

 1.007

11. C.ty TNHH MTV LN Krông Pa

     5.853

     101

    3.349

     2.345

         8

         50

Tổng cộng

 118.513

12.451

  70.805

   13.839

    276

 9.853

   1.991

    720

 8.578

            Nguồn: Kết quả kiểm kê rừng tỉnh gia Lai năm 2014.

            Ghi chú: Diện tích các công ty là lấy tròn số và không bao gồm các loại đất thổ cư, đất mặt nước, đất nông nghiệp và đất cây trồng lâm nghiệp khác.

            Trong giai đoạn trước mắt (2016-2020), lựa chọn các chủ rừng có tỉnh khả thi nhất để thực hiện CCR. 11 Công ty Lâm nghiệp trên đều đã xây dựng phương án QLRBV và bước đầu thực hiện công tác chuẩn bị CCR. Tổng diện tích CCR giai đoạn 2016-2020 của các Công ty dự kiến trên toàn tỉnh là 118.513 ha. Đối tượng CCR gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng trong một Công ty.

            - Tiến độ thực hiện CCR theo Sơ đồ 01 sau:

 

            Năm 2017, thực hiện CCR tại các Công ty Lơ Ku và Đắk Roong với diện tích 19.520 ha; do 2 công ty này đã xây dựng được phương án QLRBV theo Thông tư số 38/2014, nay không cần rà soát lại mà chỉ cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ CCR là có thể được cấp CCR.

            Năm 2018 CCR tại các công ty Kông Chro, Trạm Lập và Ka Nak với diện tích 34.270 ha; do các công ty này đã xây dựng được Phương án QLRBV năm 2013 theo Hướng dẫn số 778/TCLN-SDR ngày 13/6/2012 của TCLN, nay chỉ cần tiến hành rà soát lại Phương án QLRBV và thực hiện các hoạt động hỗ trợ cấp CCR.

            Năm 2019 CCR tại các công ty Hà Nừng, Sơ Pai và Krông Pa với diện tích 20.900 ha; do hai công ty này đã được tiến hành điều tra ô mẫu rừng phục vụ tính toán lượng khai thác hợp lý năm 2009. Đây là cơ sở để xây dựng Phương án QLRBV.

            Năm 2020 CCR tại các công ty Kông Chiêng, Kông H’de và Ia Pa với diện tích 43.830 ha.

            Vậy, tổng diện tích CCR đến năm 2020 toàn tỉnh dự kiến là 118.510 ha, trong đó gồm 107.220 ha rừng tự nhiên và 11.290 ha rừng trồng. Việc phân bổ các diện tích theo tiến độ nêu trên tại các Công ty sẽ giảm chi phí đầu vào và đảm bảo sẵn sàng cho việc thực hiện CCR.

            - Định hướng các giải pháp thực hiện CCR: Để thực hiện được công tác CCR, các chủ rừng cần thực hiện các giải pháp sau:

            + Về kỹ thuật:

            * Tiếp cận bộ Nguyên tắc FSC mà chủ rừng dự định dùng để đánh giá, kiểm toán CCR (hiện tại phổ biến nhất là Bộ nguyên tắc FSC (version 1.0) của GFA xây dựng cho điều kiện Việt Nam;

            * Đào tạo, tập huấn bộ Nguyên tắc và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện CCR (nếu chủ rừng chưa thực hiện được thì có thể thuê chuyên gia), như xây dựng Phương án QLRBV, phân vùng bảo tồn cao (cho rừng tự nhiên), tập huấn khai thác tác động thấp, chương trình giám sát, đánh giá môi trường, xã hội, kế hoạch tham vấn các bên liên quan, hội nghị khách hàng, an toàn lao động,… nhưng quan trọng là tập huấn cho lực lượng lao động thực hiện xây dựng kế hoạch và thực hiện FSC sau này. Tiến hành đánh giá thử bởi các cơ quan chuyên môn.

            * Hợp đồng với tổ chức đánh giá, thẩm định FSC để đánh giá CCR theo FSC - FM/CoC lần đầu và kiểm toán hàng năm (hiện tại có các tổ chức như GFA, SA, SGS,….);

            + Về kinh phí:

            Để đảm bảo sẵn sàng vốn và tận dụng các nguồn tài trợ trong khi các công ty đang thiếu kinh phí thực hiện, các công ty cần:

            * Kêu gọi các nguồn kinh phí từ các dự án trên địa bàn như Dự án KfW10 (Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai”) và các tổ chức khác như WWF, UNDP,…

            * Sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo vệ và phát triển rửng của Tỉnh.

            * Vốn tự có của các công ty được phân bổ vào chi phí sản xuất.

            + Về hợp tác:

            Các chủ rừng được CCR chủ động hợp tác với các chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương trong công tác QLRBV, hợp tác với các doanh nghiệp có chứng chỉ FSC-CoC để kinh doanh, thương mại lâm sản và hợp tác với các nhà/cơ quan khoa học, tư vấn QLRBV và CCR. Bên cạnh đó, các chủ rừng cần hợp tác với nhau, chủ rừng hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ có FSC-CoC, hộ gia đình liên kết thành nhóm hộ để giảm chi phí xây dựng Phương án QLRBV và CCR.

 

4. KẾT LUẬN

          Việc phát triển QLRBV và chứng chỉ rừng theo xu hướng hiện đại và phù hợp với pháp luật Việt Nam là hướng đi tất yếu của công tác bảo vệ và phát triển rừng cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. QLRBV có trách nhiệm trên cơ sở CCR không những đem lại hiệu quả kinh tế bền vững mà còn đảm bảo bảo vệ môi trường và tăng cường đời sống xã hội người dân địa phương. 

            Gia Lai có các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn khi thực hiện công tác QLRBV và CCR, tuy nhiên, việc lựa chọn 11 chủ rừng cụ thể, sẵn sàng là các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp với diện tích khoảng 120.000 ha cho giai đoạn 2016-2020 là cách làm phù hợp, cho phép Tỉnh có ưu tiên và chủ động trong việc thực hiện có hiệu quả công tác này. Sau đó sẽ triển khai ra các đối tượng rộng hơn (như cho các Ban quản lý rừng phòng hộ có nhiều diện tích rừng sản xuất, các công ty tư nhân, các nhóm hộ gia đình,…).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ NN&PTNT, Quyết định số 83/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/01/2016 về phê duyệt Đề án thực hiện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Bộ NN&PTNT, Thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 11 năm 2014 về Hướng dẫn về Phương án Quản lý rừng bền vững;

3. Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Báo cáo kế hoạch quản lý rừng điều chỉnh của Công ty MDF Vinafor Gia Lai. Gia Lai, 2014;

4. Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Thông báo số 131/TB-CCR V/v Chứng chỉ rừng FSC® tại Công ty  MDF Vinafor Gia Lai, tháng 4/2015;

5. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kong Chro, Phương án Quản lý rừng bền vững Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Koong Chro, giai đoạn 2013- 2048. Kong Chro, 2013.

6. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập, Phương án Quản lý rừng bền vững Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập, giai đoạn 2013- 2048. K’Bang, 2013.

7. Công ty TNHH MTV Lâm trường Đắk Tô, Báo cáo tổng kết thực hiện Phương án QLRBV và kiểm toán chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC® tại Công ty Lâm trường Đắk Tô - giai đoạn 2009-2014. Đắk Tô, 2014;

8. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05  tháng 02  năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020. Hà Nội, 2007;

9. Forest Stewardship Council (FSC), Các tiêu chuẩn tạm thời cho Quản trị rừng tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (version 1.0), CHLB Đức, 2005;

10. Hệ thống thông tin FSC: http://info.fsc.org/certificate.php#result tháng 3/2016.

11. Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, Hướng dẫn số 778/TCLN-SDR ngày 13 tháng 6 năm 2013 về Hướng dẫn tạm thời xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững;

12. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Báo cáo kết quả tổng hợp Kiểm kê rừng tỉnh Gia Lai, kèm theo Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt kết quả kiểm kể rừng năm 2014 của tỉnh Gia Lai, Gia Lai, 2014;

13. World Wild Fund (WWF), Bộ công cụ xác định Rừng có giá trị bảo tồn cao Việt Nam. Hà Nội, 2008;



[1]  Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, số 35 – Lý Thái Tổ – Quy Nhơn – Bình Định.

[2] Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, số 02 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.